Kỹ sư phần mềm bị ảnh hưởng thế nào bởi dịch COVID-19?
Dù làm outsourcing hay product, mùa dịch này là cơ hội, cũng là thách thức dành cho bạn.
Bài viết tổng hợp những con số từ các nguồn tin chính thống để mọi người có cái nhìn tổng quan về ảnh hưởng của COVID-19 đến ngành công nghệ, trong đó có những con số về việc cắt giảm nhân sự hàng loạt ở thánh địa Silicon Valley.
1. “Coronavirus đem đến sự hưng thịnh cho ngành công nghệ.”
Đây là nhận định của tờ India Today về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19: “Coronavirus mang lại sự khốn khó cho mọi người, nhưng lại đem đến sự hưng thịnh cho ngành công nghệ”.
Nguồn: Forbes
Không thể phủ nhận rằng, so với hàng triệu quán xá phải đóng cửa, hàng nghìn sân bay, hàng nghìn nhà xưởng phải đóng bụi trên khắp thế giới vì dịch COVID-19 thì ngành công nghệ nói chung và công nghệ phần mềm nói riêng vẫn có cho mình những lợi thế nhất định. Đặc biệt, khi…
1. 1. Mạng xã hội trở thành phương thức giao tiếp phổ biến nhất
Nguồn: Statista
Theo tờ India Today, không chỉ các mạng xã hội mà đến cả… Google cũng ghi nhận lượng tìm kiếm lớn nhất từ trước đến nay sau khi bùng phát đại dịch COVID-19. Statista cũng ghi nhận thời gian dành cho mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter, v.v.) và các ứng dụng nhắn tin (WhatsApp, Messenger, v.v.) đã tăng lần lượt 44% và 45%, gần gấp rưỡi so với trước khi bùng dịch.
Điều này khá dễ hiểu, bởi hàng loạt quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp giãn cách, thậm chí cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của Coronavirus. Ngay ở Việt Nam, sự gia tăng thành viên “vùn vụt” của các group như YÊU BẾP, NGHIỆN NHÀ, những công thức Dalgona coffee, hay hàng loạt video xu hướng trên TikTok chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc mạng xã hội đã trở thành phương thức giao tiếp phổ biến nhất trong thời buổi cách ly.
Từ đó, nhu cầu phát triển các sản phẩm, tính năng trong mảng này sẽ không ngừng tăng lên, đòi hỏi từ thị trường IT nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao.
1. 2. Các ứng dụng giúp làm việc tại nhà và thị trường màu mỡ
Chỉ trong một đêm, Zoom từ một ứng dụng hội họp qua video đơn thuần đã trở thành cái tên quan trọng bậc nhất trong giới kinh doanh (theo Inc.). Tờ The New York Times thì đưa tin giá trị của Zoom hiện tại còn lớn hơn tổng giá trị của 4 hãng hàng không Mỹ (United, Delta, American, và JetBlue)— tương đương khoảng hơn 44 tỉ USD. Giá cổ phiếu của công ty này cũng tăng vọt, từ $62 lên đến… $162 với lượng người dùng hàng ngày (DAU) tăng từ 10 triệu lên hơn 200 triệu chỉ trong 3 tháng (VentureBeat). Ở Việt Nam, Zoom thậm chí còn trở thành một động từ, hay một danh từ để miêu tả chung các cuộc họp, tiết học trực tuyến vì độ phổ biến của nó.
Nguồn: Statista
Bên cạnh đó, một ứng dụng tương tự Zoom là Microsoft Teams cũng được hưởng lợi khi chỉ trong vỏn vẹn 1 tuần giữa tháng 3, lượng DAU tăng lên đã bằng với tổng lượng tăng của gần nửa năm trước đó.
Ngoài ra, còn có rất nhiều cái tên khác như Slack, GoToMyPC, Zoho Remotely, Microsoft Office365, Atlassian, v.v. cũng đang lớn nhanh như thổi, trở thành những điểm xanh hiếm hoi trong bức tranh bị bao phủ bởi sắc đỏ của các công ty hiện nay.
1. 3. Chính phủ và các cơ quan bắt tay với giới công nghệ
Thông báo của Google về sự hợp tác giữa hai ông lớn
Một hy vọng nữa cho ngành IT là khi nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đang tích cực bắt tay với các công ty công nghệ để khống chế dịch bệnh. Mới đây, chính phủ Mỹ đã gõ cửa Google và Apple để tạo ra một hệ thống theo dõi bệnh nhân và những người nghi nhiễm qua smartphone. Bạn có thể đọc thêm về dự án này tại đây.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sử dụng WhatsApp để lan truyền những thông tin chính thống về đại dịch này. Còn ở Việt Nam, hẳn bạn đã không còn lạ lẫm với việc nhận tin nhắn từ Bộ Y tế qua Zalo hàng ngày.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều công ty bắt tay vào việc xây dựng các giải pháp đối phó với COVID-19. Chính Got It cũng đang phát triển ứng dụng COVID-19 Check với mục tiêu cập nhật thông tin và gắn nhãn cho những người nghi nhiễm trong cộng đồng. Ứng dụng này được xây dựng dựa trên nền tảng Neo4j, đã được chính Phó giám đốc về sản phẩm của Neo4j miễn phí Enterprise License (trị giá hơn $200,000) và mời tham gia cuộc thi Hackathon do công ty này tổ chức.
COVID-19 Check — sản phẩm khiến VP of Product của Neo4j phải ấn tượng
Tựu chung, những nhận định về ngành IT trong và sau COVID-19 là khá lạc quan so với nhiều nhóm ngành khác. Tuy nhiên, từng đó liệu đã đủ để ta kê cao gối hàng đêm, ung dung làm việc tại nhà?
2. Những tác động tiêu cực đối với các công ty và kỹ sư phần mềm
2. 1. Kinh tế thế giới có thể rơi vào giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại
Đây là dự báo của bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về một cuộc suy thoái với mức độ ngang ngửa, thậm chí là tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thứ đã khiến hơn 22 triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau cuộc khủng hoảng đó, thế giới phải cần đến 10 năm để phục hồi, dù đây là một thảm hoạ đã được dự đoán trước chứ không đột ngột như COVID-19. Vậy bạn thử nghĩ xem, liệu COVID-19 sẽ khiến chúng ta phải gắng gượng mất bao nhiêu năm?
Nguồn: IMF
IHS Markit thì so sánh COVID-19 với đại dịch SARS năm 2003, nhưng với mức độ ảnh hưởng tồi tệ hơn nhiều. Đài truyền hình Việt Nam VTV thậm chí còn đặt COVID-19 trên cơ cuộc đại suy thoái năm 1929 về mức độ trầm trọng. Về lâu dài, điều mà ai cũng lo ngại chính là làn sóng phá sản và sa thải, không chỉ làm suy thoái sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, mà còn có thể làm xói mòn kết cấu xã hội.
Vậy điều này ảnh hưởng gì đến kỹ sư công nghệ?
Trước tiên, các nước phương Tây như Mỹ và châu Âu sẽ cắt giảm chi tiêu đáng kể, và thật không may, đây cũng là những thị trường lớn, nổi tiếng về độ chịu chi, chế độ lương thưởng và phúc lợi tốt, đặc biệt là cho ngành IT. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng không nằm ngoài nguy cơ thắt lưng buộc bụng trong tình cảnh Olympic — hy vọng về đòn bẩy kinh tế của nước Nhật — vẫn đang tạm hoãn. Tình hình kinh tế nửa sau năm 2020 của nước Nhật chưa thể nói là khả quan.
Dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tình trạng thất nghiệp do COVID-19 (Nguồn: ILO)
Phương Tây và Nhật Bản, hai nguồn khách hàng lớn nhất cho thị trường outsourcing nói riêng và IT nói chung của Việt Nam, đều sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Một khi các khách hàng này thắt chặt chi tiêu, thậm chí đóng cửa, thì việc “ốc không mang nổi mình ốc” chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới các công ty và kỹ sư công nghệ tại Việt Nam.
2. 2. Nguy cơ sa thải, cắt giảm những nhân sự hạng 2, nhân viên hợp đồng
Ở thung lũng công nghệ của thế giới Silicon Valley, người ta đang chứng kiến nguy cơ thất nghiệp của hàng loạt nhân sự được thuê qua công ty thứ ba và nhân viên từ các startup phá sản. Một trang web có tên Layoffs.fyi đã được lập ra và ghi nhận hơn 23,000 nhân sự đã mất việc ở Bay Area và các khu vực lân cận kể từ ngày 11/3. Ở Việt Nam cũng đã có một trang web thống kê các công ty cắt giảm hoặc ngừng tuyển nhân sự vì COVID-19 (xem tại đây).
Got It cũng thu thập được những con số tiêu biểu như sau:
- Ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, cứ 10 người thì có 1 người mất việc.
- Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ xóa sạch 6,7% số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm 2020 — tương đương với 195 triệu lao động làm việc toàn thời gian.
- Dòng người xếp hàng để nhận giúp đỡ về trợ cấp thất nghiệp tại Las Vegas (Nguồn: The Guardian)
Ở các nước thu nhập trung bình cao, COVID-19 có thể làm mất đi 7,0% số giờ làm việc, tương đương 100 triệu lao động toàn thời gian. Điều này vượt xa những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. - Theo ước tính sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở Việt Nam, có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề.
2. 3. Hạn chế đi lại — Hạn chế về nhiều mặt
Việc hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới sẽ dẫn tới hai hệ luỵ cơ bản:
- Niềm tin từ đối tác nước ngoài giảm sút. Nhiều công ty nước ngoài thường cử người đến Việt Nam để xem xét, bàn bạc với các nhà cung cấp dịch vụ outsourcing software development trước khi quyết định hợp tác. Đến 70% các startup cũng đã hủy bỏ các chuyến công tác để giảm thiểu sự lây lan virus. Trước tình hình hiện nay, tuy rằng các ứng dụng như Zoom có thể được sử dụng, nhưng việc không thể trao đổi trực tiếp vẫn là một rào cản lớn.
- Các chuyến onsite bị huỷ bỏ hoặc dời, hoãn. Rất nhiều kỹ sư công nghệ mong đợi về chuyện được đi onsite để có cơ hội trải nghiệm và được hưởng phúc lợi tốt hơn. Tuy nhiên, điều này gần như là không thể trong tình hình dịch như hiện nay.
2. 4. Startup lao đao vì không gọi được vốn
Nguồn: Asianscientist
Ở Ấn Độ, việc gọi vốn của các startup đã lao dốc đến 50% kể từ khi dịch bệnh bùng phát (theo moneycontrol). Đây không phải tình hình của riêng một quốc gia, bằng chứng là Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều công ty vừa và nhỏ phải cắt giảm nhân sự, thanh lý văn phòng, thậm chí đóng cửa vì không đủ tiền duy trì hoạt động.
Nếu may mắn, họ có thể để dành được một số tiền để tái khởi động ngay khi hết dịch. Bằng không, một lượng lớn kỹ sư công nghệ rất có thể sẽ rơi vào thất nghiệp — điều mà chỉ mới vài tháng trước, người ta coi là không tưởng đối với một ngành hot như IT.
2. 5. Thách thức từ nửa sau năm 2020
Hiện nay, vẫn còn những công ty IT giữ được nhịp độ làm việc ổn định do đã ký xong hợp đồng từ năm 2019, đầu năm 2020. Thế nhưng, câu chuyện về Q3, Q4 thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Nếu có thể đưa ra những hướng đi phù hợp với tình hình hiện tại, họ có thể vụt lên như Zoom hay Tiktok. Nhưng cũng rất có thể, dịch bệnh COVID-19 sẽ đánh dấu ngày tàn của rất nhiều doanh nghiệp, kể cả những công ty tưởng chừng như không thể sụp đổ trong ngành IT.
3. Làm gì trước tình thế này?
3. 1. Nhanh chóng setup protocol để quản lý công việc
Trong thời điểm này, cách thức vận hành chính là chìa khoá sống còn cho các công ty công nghệ. Bởi nếu kéo dài tình trạng “một cổ hai tròng” — thiếu vốn và không quản lý được nhân sự — thì các công ty sẽ khó lòng mà trụ vững trong thời buổi khó khăn. Nếu theo dõi tình hình thị trường hiện này, chắc hẳn bạn cũng thấy được ngành IT đang rục rịch trước dòng xoáy của cuộc khủng hoảng này.
Quản lý công việc và nhân sự nên là bước đi đầu tiên để ổn định tình hình. Như ở Got It, ngay khi ra quyết định WFH (làm việc tại nhà), chúng mình đã đề ra ngay một protocol cụ thể để đảm bảo mọi công việc vẫn phải được duy trì. Bạn có thể tham khảo cách Got It vận hành mọi thứ online tại đây.
3. 2. Thử — sai — sửa
COVID-19 giống như một trận đánh úp mà ta không kịp trở tay. Bởi vậy, để sống sót trong đại dịch, không còn cách nào khác ngoài 3 chữ: thử-sai-sửa để tìm ra cách tốt nhất cho mình. Got It cũng đang “dò đường”, cũng mắc những lỗi sai, để rồi được học hỏi và tiếp tục thử nghiệm. Protocol làm việc của công ty cũng chính là thành quả được đúc rút từ những kinh nghiệm trước đây.
Đây cũng là lời khuyên mà chúng mình muốn gửi đến tất cả những ai đang đọc bài viết này. Chúng ta đều hoang mang, nhưng đừng ngại ngần. Hãy thử đi, sai đi, để rồi tìm ra cái đúng nhất cho chính mình.
3. 3. Dành thời gian trau dồi bản thân
COVID-19 khiến phần lớn chúng ta phải ở nhà, với một kì nghỉ Tết bất đắc dĩ và không biết còn kéo dài bao lâu. Vậy thì sao không tận dụng thời gian này để “upgrade” bản thân, biến mình trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình? Bởi nếu chẳng may công ty của bạn không hoạt động tốt, thì với kiến thức vững chắc, bạn vẫn sẽ có cơ hội tìm được việc ở những công ty “xịn xò” sống sót qua mùa dịch.
Nguồn: medium.com